Câu chuyện Đại học(kì 1)

Tôi mong muốn chia sẻ những quan sát, nhìn nhận và đúc kết của riêng tôi về việc học Đại học với mọi người. Tôi soi việc học Đại học dưới lăng kính của cuộc sống, một cuộc sống có quá nhiều thay đổi so với trước đây. Điều tôi chân thành muốn nhìn thấy là học Đại học cần được đặt đúng chỗ trong nhiều việc khác phải làm trong đời, người đi học Đại học cần nắm rõ mình được gì mất gì, học được gì và không học được gì từ Đại học.

Có lẽ do cái chữ Đại học nó “to” quá nên hầu hết các bạn trẻ may mắn được ăn học đủ đầy ngày nay đều xem nó là lựa chọn duy nhất của đời mình, lựa chọn duy nhất làm rạng danh gia đình và mình có thể “nở mày nở mặt” với mọi người. Tâm lý chuộng bằng cấp đã ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của nhiều gia đình người Việt Nam, bởi cái hình ảnh của những ông nghè, ông cống vinh qui bái tổ về làng, được mọi người sùng bái trọng thị đã đi vào giấc ngủ của người Việt Nam. Ngay cả những người đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống, nhưng vì vẫn cần một tấm bằng do nhiều lý do: thăng quan tiến chức (trong cơ quan Nhà nước), thích đi giảng dạy (phải Thạc sĩ, Tiến sĩ trước đã), thích được gọi là người có trình độ, thích được “ăn to nói lớn”… nên bất chấp tất cả để có được một tấm bằng. Thế là bằng cấp đua nhau tăng giá, và đương nhiên bằng giả, lẫn bằng thật học giả cũng nương theo đó mà lên hương. Nếu có thể so sánh, tôi gọi bằng cấp là một thứ đồ trang sức gắn lên người để hy vọng mọi nguời sẽ đánh giá mình tốt hơn, hay ho hơn, thú vị hơn. Những người đẹp thật sự lại ít khi cần đeo đồ trang sức! Nhưng tôi thích kiểu ví von sau của một người bạn đang công tác ở một trường Đại học khá lớn ở thành phố Hồ Chí Minh: đối với nhiều người bằng cấp bây giờ là một cái nhãn hàng (label), họ biết chất lượng của con người mình (tương tự chất lượng thật của sản phẩm) chẳng thay đổi là bao, nhưng cứ dán nhãn đẹp trước cái đã. Vì vậy, một sự thật hiển nhiên của cuộc sống dần dần cứ bị quên lãng: cuộc sống được tạo nên từ những kết quả do hành động mang lại, chứ không phải được tạo nên từ những giờ lên lớp ngồi học. Những bậc vĩ nhân thế giới và Việt Nam như Thomas Edison, Henry Ford, Albert Einstein, hay Cao Thắng, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hiến Lê … được lưu danh hậu thế vì những gì họ đã làm, đã để lại cho nhân loại chứ không phải vì họ có bằng cấp cao!

Thực tế cuộc sống đã cho thấy: rất nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường cũng trầy trật trên con đường mưu sinh, để rồi khi kiếm được một việc làm mới phát hiện ra đó không phải là ngành mà mình đã được đào tạo. Thậm chí cả những người may mắn làm được đúng ngành đã học, nhưng sao thấy mọi thứ cứ như mới nguyên, hình như mình chưa biết gì hết và lại… tiếp tục đi học để sưu tầm thêm nhiều chứng chỉ và bằng cấp khác nữa. Nhiệm vụ tối hậu của giáo dục phải chăng là giúp cho con người thành đạt, hạnh phúc, sống một cuộc sống có mục đích? Thế nhưng chúng ta có thể nhìn lại chương trình đào tạo từ bậc phổ thông lên bậc Đại học, chỉ toàn là những giờ nhồi nhét kiến thức và những kỳ thi thử thách trí nhớ theo kiểu “Rồng vàng”, hay “Ai là triệu phú”. Để rồi phán quyết “Đậu”, “Rớt” nhưng đâu biết rằng có khi nó trở thành “Thành” hay “Bại” trong cuộc đời của những bạn trẻ này về sau. Nhưng tôi khẳng định việc rớt môn Xác suất thống kê đối với sinh viên Kinh tế – Quản lý không hề ảnh hưởng gì đến việc người đó có thành công trong cuộc sống về sau hay không, cũng tương tự như việc ta nhớ được tỉ số trận bóng đá Việt Nam – Singapore ở Tiger Cup 2002 chẳng làm cho cuộc đời ta tốt đẹp hơn chút nào.


Nguồn tin: quachtuankhanh.net