Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Xu hướng thí sinh chọn trường gần nhà

Ngày 12-5, 30 sở GD-ĐT các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam đã chính thức bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 cho các trường ĐH, CĐ.
Theo ghi nhận, năm nay, thí sinh (TS) tiếp tục có xu hướng chọn trường gần nhà, đầu quân vào khối ngành kinh tế. Hồ sơ đăng ký tại các sở GD-ĐT giảm đều; trong khi đó, nhiều trường ĐH tại TP.HCM lại tăng, có nơi lên đến vài ngàn bộ. 
Sở giảm, trường tăng
Năm nay, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận được hơn 145.700 hồ sơ ĐKDT, giảm gần 6.000 bộ. Chủ yếu TS tập trung vào ngành kinh tế nên khối A chiếm vị trí đầu bảng với trên 66.300 hồ sơ. Khối A1 cũng chiếm hơn 15.000 và khối B trên 18.000 hồ sơ. Cũng như TP.HCM, sự tụt giảm hồ sơ đăng ký là bức tranh chung tại nhiều sở GD-ĐT trên cả nước trong mùa tuyển sinh năm nay. Đơn cử, Sở GD-ĐT Đồng Tháp nhận được khoảng 22.700 hồ sơ, giảm 3.000 bộ; Sở GD-ĐT Long An thu nhận gần 26.000 hồ sơ, giảm khoảng 2.600. Con số giảm ở Sở GD-ĐT Vĩnh Long là 2.000; Sở GD-ĐT Tiền Giang là 1.200; Sở GD-ĐT Kiên Giang 1.300; Sở GD-ĐT Cần Thơ 1.500; Sở GD-ĐT Sóc Trăng 1.000, Sở GD-ĐT Trà Vinh 1.200… Tại khu vực Tây Nguyên, Sở GD-ĐT Đắk Lắk nhận được gần 50.000 hồ sơ, giảm 4.000; Sở GD-ĐT Lâm Đồng cũng nhận được hơn 33.000 hồ sơ, giảm 2.000. Một số tỉnh khác có số lượng giảm ít là Bình Phước, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang… với chỉ vài trăm bộ.
Ông Lê Trường Xin - Trưởng phòng GDCN, Sở GD-ĐT Đắk Lắk - lý giải nguyên nhân: “Trung bình ở tỉnh mỗi TS chỉ đăng ký 2 hồ sơ. Cá biệt cũng có em đăng ký đến 4 hồ sơ nhưng nhìn chung hồ sơ đăng ký năm nay giảm bởi số lượng học sinh phổ thông đã giảm, TS vãng lai cũng không nhiều. Bên cạnh đó, công tác phân luồng đã dần phát huy hiệu quả nên “gạt bỏ” được một lượng không nhỏ hồ sơ ảo”. Còn ông Huỳnh Phương Vũ - Trưởng phòng GDCN - TX, Sở GD-ĐT Long An, cho rằng số lượng học sinh phổ thông ngày càng ít đã kéo theo sự thuyên giảm hồ sơ trong những năm gần đây. Ngoài ra, quy định mới tạo cơ hội thông thoáng cho TS trong xét tuyển sau khi trượt nguyện vọng 1 cũng là một trong những nguyên nhân giảm được tình trạng “rải” hồ sơ.
Một điều lạ là năm nay trong khi hồ sơ TS đăng ký theo tuyến sở giảm thì tại nhiều trường lại tăng đột biến. Cụ thể, Trường ĐH Sài Gòn nhận được 49.500 hồ sơ, tăng 7.500; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận được 22.000, tăng 7.000; Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhận được 47.000 hồ sơ, tăng 2.000. Trừ Trường ĐH Bách khoa và ngành y, năm nay các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM có số lượng hồ sơ tăng từ 10 đến 20%. Cụ thể, Trường ĐH CNTT tăng hơn 10%; Trường ĐH Kinh tế - Luật tăng hơn 20%; Trường ĐH Quốc tế tăng 15%; Trường ĐH KHTN tăng 20%. Một tín hiệu đáng mừng là ở khối ngành xã hội, đó là số lượng hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tăng hơn 10%.
Học gần nhà để giảm chi phí
Cũng như các mùa tuyển sinh gần đây, năm nay xu hướng chọn trường gần nhà của TS được thể hiện rõ rệt. Dẫn đầu hồ sơ đăng ký tại các sở thường là trường ĐH đóng trên địa bàn địa phương đó. Trong hơn 22.000 hồ sơ đăng ký tại Sở GD-ĐT Cần Thơ đã có đến 17.600 TS chọn thi vào Trường ĐH Cần Thơ và 1.500 TS đầu quân vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Tương tự, tại Sở GD-ĐT Khánh Hòa, trên 7.600 TS chọn thi vào Trường ĐH Nha Trang (đông nhất). Tại Đắk Lắk, hơn 15.000 hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Tây Nguyên (chiếm áp đảo). Khoảng 17.000 TS tại TP.HCM chọn thi vào Trường ĐH Sài Gòn, đây là trường hằng năm luôn có số lượng hồ sơ đông không chỉ riêng TP.HCM mà của cả nước. Có đến 5.000 TS Đồng Tháp chọn thi vào Trường ĐH Đồng Tháp…
Với tâm lý ngại đi xa, nhiều TS cũng có xu hướng chọn những trường thuộc các tỉnh lân cận thay vì khăn gói vào các thành phố lớn. Chẳng hạn, gần 5.400/ 6.200 TS Hậu Giang chọn Trường ĐH Cần Thơ; khoảng 7.400/ 15.600 TS Kiên Giang đăng ký vào Trường ĐH Cần Thơ và 1.200 TS khác cũng chọn vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ. TS ở Tiền Giang cũng ưu tiên chọn Trường ĐH Tiền Giang, ĐH Cần Thơ... sau đó mới đến các trường ĐH tại TP.HCM.
Ông Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng GDCN-TX Sở GD-ĐT Khánh Hòa, giải thích: Việc chọn trường gần nhà sẽ giúp giảm bớt chi phí cho người học, giảm được ùn tắc giao thông cũng như hạn chế được áp lực về chỗ ở cho sinh viên ở các thành phố lớn. Đó là một trong những nguyên do người học lựa chọn. Ngoài các lý do trên, thì ĐH địa phương còn là nguyện vọng “sơ-cua” của TS trong trường hợp không đậu nguyện vọng 1. Bởi thực tế, cùng một ngành đào tạo, trong khi các trường lớn lấy điểm khá cao thì điểm trúng tuyển ở trường địa phương lại thấp hơn, TS dễ có cơ hội trúng tuyển. Bộ GD-ĐT cũng cho biết, hiện có 17 thí sinh thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng) bị loại sau khi đăng ký dự thi vào các trường công an nhân dân năm 2012 đang đứng trước nguy cơ mất quyền dự thi ĐH-CĐ. Thông thường, những thí sinh nếu bị loại khỏi vòng xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường công an nhân dân đều vẫn được nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào những trường ĐH-CĐ khác trước hạn 23-4. Tuy nhiên, ngày 2-5, Công an tỉnh Lâm Đồng mới gửi thông báo số 618/CAT – PX13 đến lãnh đạo Công an huyện Di Linh để thông tin về quyết định loại 17 thí sinh do không đủ điều kiện dự thi. Đến ngày 7-5, Công an huyện Di Linh mới thông báo đến thí sinh để các em liên hệ với các trường khác đăng ký dự thi. Tuy nhiên, đến nay, các trường ĐH-CĐ đều đã chốt hạn nhận hồ sơ đăng ký dự thi theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Nguồn tin: giaoduc.edu.vn